• Ban Quan hệ Quốc tế - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)
background

Thông tin thị trường Singapore

Kinh tế Singapore được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại, nhưng các chuyên gia phân tích đang bất đồng quan điểm về khả năng xảy ra suy thoái kỹ thuật

Các chuyên gia phân tích cho rằng Singapore đã sẵn sàng thực hiện các biện pháp tài khóa và chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế.
SINGAPORE: Trong bối cảnh chiến tranh thương mại toàn cầu đang rình rập, tăng trưởng kinh tế được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại trong những tháng tới, tuy nhiên các chuyên gia phân tích vẫn xung đột về việc liệu Singapore có rơi vào suy thoái kỹ thuật hay không.
Suy thoái kỹ thuật là tình huống kinh tế suy giảm trong hai quý liên tiếp.
Vào thứ Hai (14/4), Bộ Thương mại và Công nghiệp (MTI) cho biết kinh tế Singapore đã giảm 0,8% trong ba tháng đầu năm (số liệu đã được điều chỉnh theo mùa) so với quý trước.
Sự suy giảm này được cho là do sự đình trệ trong ngành sản xuất và một số lĩnh vực dịch vụ như tài chính và bảo hiểm.
HSBC nhận định sự suy giảm trong quý đầu tiên làm dấy lên thắc mắc về việc liệu Singapore có rơi vào khủng hoảng kỹ thuật hay không, đồng thời cho rằng cơ hội tăng trưởng cũng sẽ phải tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức.
Theo các nhà kinh tế học của tập đoàn Maybank, tăng trưởng GDP sẽ chịu áp lực từ sự bất ổn định và các cú sốc đến từ cuộc chiến thương mại toàn cầu.
Tuy nhiên, sự chuyển hướng của dòng chảy thương mại và tài chính cùng với việc hoãn áp thuế qua lại trong 90 ngày có thể hỗ trợ Singapore hạn chế tác động tiêu cực.
Họ cũng cho rằng lãi suất giảm, sự bùng nổ trong xây dựng và các biện pháp hỗ trợ tài khóa bổ sung cũng sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng.
“Chúng tôi đoán rằng kinh tế sẽ tăng trưởng chậm lại, nhưng cũng chưa thể đến mức suy thoái,” ông Brian Lee, nhà kinh tế tại Maybank Investment Bank cho biết.
Mặt khác, bà Selena Ling, chuyên gia kinh tế của OCBC, cho rằng xác xuất xảy ra suy thoái kỹ thuật là khá cao.
Bà cho rằng nếu đà suy giảm vẫn tiếp tục trong quý II, thì sẽ không thể loại trừ khả năng nền kinh tế rơi vào suy thoái kỹ thuật trong nửa đầu năm.
Bà cũng cảnh báo rằng ngay cả khi Singapore tránh được suy thoái kỹ thuật trong nửa đầu năm thì sẽ không thể tránh khỏi khả năng khủng hoảng vào nửa cuối năm.
“Suy thoái kỹ thuật là điều hoàn toàn có thể xảy ra khi các thông báo thuế quan từ Mỹ đã gây thiệt hại đáng kể cho thị trường tài chính vào tháng 4, và dự kiến sẽ có những tác động kinh tế trong các tháng tới,” bà Ling chia sẻ.
Vào thứ Hai, MTI cũng đã hạ dự đoán tăng trưởng GDP năm 2025 của Singapore xuống còn từ 0% đến 2%.
HỖ TRỢ TỪ CHÍNH PHỦ
Các chuyên gia phân tích cho rằng Singapore có đủ nguồn lực để hỗ trợ nền kinh tế và chính phủ cũng đã chuẩn bị sẵn sàng để hành động.
Bà Ling đã chỉ điểm lực lượng đặc nhiệm mới được Thủ tướng Lawrence Wong công bố vào tuần trước nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động.
“Hướng đi chính của chính sách hiện tại là sẵn sàng hành động thêm nếu cần thiết,” bà chia sẻ, đồng thời bà cũng cho biết rằng một gói hỗ trợ ngoài ngân sách có thể được triển khai trong năm nay nếu tình hình kinh tế trở nên xấu đi.
Ông Lee của Maybank đã nhận định chính phủ Singapore có "nguồn lực dồi dào" để triển khai các biện pháp kích thích nếu kinh tế toàn cầu suy thoái nhanh chóng.
Ngân hàng này đã ước tính thặng dư tài khóa tích lũy trong nhiệm kỳ bầu cử hiện tại đã lên đến 14,3 tỷ SGD (10,9 tỷ USD).
Về chính sách tiền tệ, Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) cho biết tốc độ tăng giá danh nghĩa có hiệu lực của đô la Singapore (S$NEER) sẽ “giảm nhẹ”.
Điều đó có nghĩa là tỷ giá đồng nội tệ có thể yếu đi hoặc tăng giá chậm hơn, và điều này cũng góp phần thúc đẩy xuất khẩu.
“Chính sách nới lỏng cho thấy ưu tiên hàng đầu của MAS hiện nay là hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh thương mại toàn cầu bất ổn định và thiếu rõ ràng về hướng đi của chính sách thuế quan,” HSBC Global Research đã chia sẻ trong một báo cáo.
MAS đã áp dụng cách tiếp cận thận trọng hơn vì hiện nay họ có tần suất họp là bốn lần một năm thay vì hai lần như trước năm 2024.
“Tần suất họp cao hơn cho phép MAS linh hoạt điều chỉnh chính sách tiền tệ kịp thời hơn, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang thiếu định hướng rõ ràng về thuế quan,” HSBC nhận định.
Ngân hàng cũng nói rằng MAS đang có lập trường “ôn hòa”, cho thấy ngân hàng trung ương sẵn sàng nới lỏng chính sách hơn nữa nếu cần.
Bà Ling của OCBC cũng cho rằng còn dư địa để MAS nới lỏng chính sách tiền tệ thêm nếu kinh tế xấu đi.
"Ngôn từ mà họ đã sử dụng khá là nhẹ nhàng khi đề cập đến việc khoảng cách sản lượng đã chuyển sang âm và các rủi ro lạm phát theo chiều hướng giảm," bà chia sẻ. MAS đã hạ dự báo lạm phát cơ bản xuống còn từ 0,5% đến 1,5% cho năm 2025.
TRIỂN VỌNG ĐỒNG ĐÔ LA SINGAPORE
Dù MAS đã có động thái nới lỏng, đồng đô la Singapore được cho là vẫn sẽ giữ vững giá trị tương đối mạnh, theo các chuyên gia phân tích.
HSBC cho biết sức mạnh đồng tiền đã phục hồi sau khi chỉ số đô la Mỹ giảm, và S$NEER đã tăng sau khi MAS công bố tuyên bố chính sách tiền tệ.
“Nhìn chung, chúng tôi cho rằng hiện tại khó có cơ sở cho chiến lược bán khống đồng SGD,” ngân hàng cho biết.
Ông Christopher Wong, chuyên gia chiến lược tiền tệ tại OCBC, dự đoán đồng SGD sẽ giao dịch trong khoảng 1,31 đến 1,325 so với đồng USD.
Do ảnh hưởng từ các chính sách thuế quan của tổng thống Trump đối với tăng trưởng kinh tế, thị trường thương mại và tâm lý thị trường, cùng với khả năng MAS nới lỏng chính sách, đồng đô la Singapore có thể sẽ yếu hơn đồng đô la Mỹ trong năm 2025.
Tuy nhiên, nếu đồng euro và nhân dân tệ phục hồi hoặc đô la Mỹ tiếp tục suy yếu thì điều đó sẽ hỗ trợ cho đồng SGD, ông bổ sung.

Nguồn: CNA
Chia sẻ nội dung này trên:
Tin tức

FTA giữa Singapore và Liên minh Thái Bình Dương có hiệu lực | Thị trường khác, Singapore

Theo FTA giữa Singapore và Liên minh Thái Bình Dương, các quốc gia tham gia thỏa thuận sẽ không áp thuế đối với hàng hóa của nhau trên hầu hết các dòng thuế.